logo

Những lần đổi tên và câu chuyện ít ai biết về tên các ga tàu điện ngầm ở Seoul

Bạn có tò mò tên ga tàu điện ngầm ở Seoul được thay đổi như thế nào không?

Jihyun Lee
3 years ago

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé! 

Tàu điện ngầm ở Seoul là mạng lưới đường sắt đô thị dài thứ 8 trên thế giới, và được Jalopnik, một cơ quan truyền thông ô tô của Mỹ, công nhận là một trong những tàu điện ngầm tốt nhất thế giới! 

Tàu điện ngầm Seoul hiện có 324 ga. Hôm nay, hãy cùng chúng mình tìm hiểu câu chuyện thú vị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa ẩn sau những lần thay đổi tên các ga tàu này nha!


Đổi tên ga tàu điện ngầm theo tên các trường đại học

Ga tàu điện ngầm ở Seoul

Chắc hẳn bạn đã thấy rất nhiều trường hợp tên của một trường đại học nổi tiếng lại là tên ga tàu điện ngầm! Trên thực tế, khi tuyến tàu điện ngầm số 1 được khánh thành vào năm 1974, nguyên tắc đặt tên các ga tàu điện ngầm là sử dụng 'địa danh trong khu vực'. 

một trường đại học ở Hàn Quốc

Tuy nhiên, sau khi các tuyến tàu khác lần lượt được xây dựng thì có nhiều trường hợp hai hoặc nhiều ga xuất hiện trong cùng một khu vực. Các ga tàu điện ngầm của Seoul rất dày đặc. Để giải quyết vấn đề này, họ đã quyết định sử dụng các địa danh nổi tiếng của từng khu vực làm tên ga tàu điện ngầm. 

a đại học Kyungseong, đại học Pukyong (đại học Dongmyung)

Nguồn: theqoo

Tại thời điểm này, ga Đại học Ewha (tuyến 2), ga Đại học Quốc gia Seoul (tuyến 2), ga Đại học Hanyang (tuyến 2) và ga Gyodae (tuyến 2 và 3) đã được đặt tên trường đại học. Tuy nhiên, việc đặt tên này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các trường đại học khác. Điều này là do tên của một trường đại học được đặt cho tên một ga tàu điện ngầm có ý nghĩa quảng bá rất lớn. 

Trên thực tế, khi một nhà ga mới được xây dựng gần trường đại học, sẽ có một cuộc chiến ngầm khá lớn. Ví dụ, khi tuyến số 2 tàu điện ngầm Busan được đưa vào hoạt động năm 2001, ba trường đại học gần đó đã tranh cãi rất ác liệt và cuối cùng nó được đặt 1 cái tên không ai ngờ đến là 'ga Đại học Kyungseong, Đại học Pukyong (Đại học Dongmyung)'.

Vậy những ga tàu điện ngầm nào ở Seoul được đổi tên theo tên trường đại học?


1. Ga Donggyo → Ga đại học Hongik

Ga đại học Hongik, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Ga Đại học Hongik là một trong những ga tàu điện ngầm nổi tiếng nhất ở Seoul, có tuyến số 2, tuyến Gyeongui Jungang và tuyến đường sắt sân bay đi qua. Hiện tại, nó xếp thứ 5 trong số các ga ở thủ đô về số chuyến tàu dừng tại ga. Tên ban đầu của ga Đại học Hongik là ga Donggyo. Vì đại học Hongik nằm ở Donggyo-dong, Mapo-gu, Seoul. 

đại học Hongik được đặt tên cho ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Tuy nhiên, tên đã được đổi thành ga Đại học Hongik theo yêu cầu của đại học Hongik chỉ 4 ngày trước khi tuyến 2 được mở. Và khi tuyến số 2 được khai thông, các trường đại học cũng đã yêu cầu đặt tên ga theo tên trường như ga Đại học nữ Ewha, ga Đại học Quốc gia Seoul, ga Đại học Hanyang và ga Gyodae. Và từ đây, làn sóng đặt tên ga tàu theo tên trường đại học đã bắt đầu lan rộng.


2. Ga Hwayang → Ga Đại học Konkuk

Ga đại học Konkuk ngày xưa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Ga Đại học Konkuk là ga trung chuyển của tuyến số 2 và 7, và là ga tàu điện ngầm nằm gần đại học Konkuk. Khi tuyến số 2 được mở, nó được đặt tên là 'Ga Hwayang' vì nó nằm ở Hwayang-dong, Gwangjin-gu. 

Ga đại học Konkuk, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Tuy nhiên, nhờ vào cơn sốt đặt tên theo trường đại học, đại học Konkuk yêu cầu ga Hwayang được đổi tên thành ga Đại học Konkuk. Cuối cùng, vào năm 1985, ga Hwayang được đổi tên thành ga Đại học Konkuk, và khu phố Kondae đã trở thành một trong những khu thương mại đại học nóng nhất giống với khu phố Hongdae.


3. Ga Hwigyeong → Ga Đại học Ngoại ngữ

Ga đại học Ngoại ngữ ngày xưa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Ga Đại học Ngoại ngữ là ga tàu điện ngầm trên tuyến số 1. Vào thời điểm mở cửa, nó được đặt tên là 'ga Hwigyeong' vì nó nằm ranh giới của Hwigyeong-dong và Imun-dong. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên rắc rối một chút khi ga Hoegi gần đó mở cửa, vì chính xác thì ga Hwigyeong nằm ở Imun-dong, và ga Hoegi nằm ở Hwigyeong-dong. 

Ga đại học Ngoại ngữ, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Vì vậy, vào năm 1996, ga Hwigyeong được đổi thành ga Đại học Ngoại ngữ. Tên ga đã được thay đổi để giảm sự nhầm lẫn, nhưng có thông tin cho rằng Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc đã vất vả đấu tranh hết mình để được đặt tên ga như ngày nay. 


4. Ga Đại học Chongshin (Isu) → Ga Isu → Ga Đại học Chongshin (Isu)

Bản đồ ga đại học Chongshin và ga Isu, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Ga Đại học Chongshin và ga Isu nổi tiếng là ga trung chuyển mà mỗi tuyến lại có tên ga khác nhau. Thông thường, các trạm trung chuyển có tên giống nhau, nhưng ở đây, tuyến số 4 được đặt tên là ga Đại học Chongsin và tuyến số 7 là ga Isu. Có một câu chuyện phức tạp đằng sau điều này.

Ga đại học Chongshin (isu), Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Năm 1984, khi tuyến số 4 lần đầu tiên được khai thông, đại học Chongshin đã đầu tư khoảng 24 triệu won (khoảng 80 triệu won theo giá trị tiền tệ hiện tại) để quảng bá trường, và tên của nhà ga trở thành ga Đại học Chongshin.

Ga Namseong, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Sau đó, khi tuyến số 7 được khai thông vào năm 2000, đã xuất hiện thêm một trạm trung chuyển đi qua ga Đại học Chongsin và ga Namseong vào thời điểm đó. Vấn đề là, ga Namseong gần đại học Chongshin hơn ga Đại học Chongshin vào thời điểm đó. 

Vì vậy, ga Đại học Chongshin đã được đổi thành ga Isu trên tuyến số 4 và tuyến số 7, và ga Namseong tuyến số 7 được đổi tên thành ga Namseong (Cổng vào trường đại học Chongshin).

Ga đại học Chongshin (isu), Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Nhưng sau đó, đại học Chongshin đã phản đối dữ dội với nhiều lý do nhưng chủ yếu là muốn đặt tên cho ga trung chuyển với hơn 10,000 người đi lại mỗi ngày. Cuối cùng, sau hai tháng thì tuyến 4 được đổi tên thành ga Đại học Chongshin và tuyến 7 được đổi tên thành ga Isu.

Vụ việc này cho thấy sự ích kỷ của đại học Chongshin, và nó vẫn đang bị chỉ trích rất nhiều!


5. Ga Yuljeon → Ga cổng trường đại học Sungkyunkwan → Ga Đại học Sungkyunkwan

Ga đại học Sungkyunkwan, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Kinh tế mỗi ngày

Đại học Sungkyunkwan có hai cơ sở, một cơ sở nằm ở Hyehwa, Daehak-ro, Seoul, và cơ sở còn lại nằm ở Suwon. Trong số đó, ga đại học Sungkyunkwan là ga tàu điện ngầm trên tuyến số 1 nằm gần khu học xá Suwon. Khi ga tàu điện ngầm mở cửa vào năm 1979, nó có tên là ga Yuljeon vì nó nằm ở Yuljeon-dong, và trong quá khứ, nó còn được gọi là 'Bambatgol' vì có rất nhiều cây hạt dẻ. 

Ga đại học Sungkyunkwan, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1984, nhà ga đã được đổi tên thành ga Đại học Sungkyunkwan. Điều này là do đại học Sungkyunkwan đóng vai trò là một địa danh ở Yuljeon-dong, và sinh viên đi đến cơ sở Suwon của đại học Sungkyunkwan sử dụng ga này rất nhiều. Những cư dân sống ở đó khăng khăng rằng tên lịch sử 'ga Yuljeon' nên được khôi phục, nhưng cái tên ga Đại học Sungkyunkwan vẫn được duy trì.


6. Ga Seogang → Ga Đại học Sogang

Ga Seogang ngày xưa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: OhmyNews

Ga Đại học Sogang là ga tàu điện ngầm trên tuyến Gyeongui Jungang nằm ở phía trước đại học Sogang. Nhà ga Đại học Sogang thực sự là một nhà ga có lịch sử rất lâu đời, mở cửa vào năm 1929 với tên gọi là 'Ga Seogang'. Ga Seogang có tên như vậy vì nó gần với Seogang Naru (nơi tàu bè qua sông Hàn), nơi có cầu Seogang ngày nay. 

Vào thời điểm đó, ga Seogang vận hành các chuyến tàu khách nói chung và đồng thời xử lý các chuyến tàu cung cấp than. Tuy nhiên, sau khi giải phóng, tính hữu dụng của nó đã biến mất, và người ta nói rằng nó chỉ được sử dụng như một nhà ga vận chuyển hàng hóa.

Đại học Sogang

Nguồn: Đại học Sogang

Sau đó, ga Seogang được hồi sinh với việc xuất hiện tuyến Gyeongui Jungang, nhưng có ý kiến cho rằng cái tên ga Seogang không phù hợp vì ga Gwangheungchang mới trên tuyến số 6 gần với cầu Seogang hơn, hay còn gọi là Seogangnaru. Vì vậy, tên đã được đổi thành ga Đại học Sogang, theo tên đại học Sogang nằm gần đó.


7. Ga Yeonchon → Ga Seongbuk → Ga Đại học Kwangwoon

Ga Đại học  Kwangwoon ngày xưa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Trang facebook Du hành thời gian

Ga Đại học Kwangwoon là ga tàu điện ngầm nơi tuyến số 1 và tuyến Gyeongchun đi qua. Trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, nó được gọi là ga Yeonchon và được sử dụng cho các chuyến tàu chuyên vận chuyển hàng hóa. Sau đó, vào năm 1963, nó bắt đầu được gọi là ga Seongbuk, và khi tuyến số 1 được khai thông thì các chuyến tàu chở khách thông thường bắt đầu chạy.

Ga Đại học Kwangwoon, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: ohmynews

Vấn đề là tên của ga Seongbuk không khớp với tên của khu vực. Trước đây, nơi này là Seongbu-guk, nhưng do khu hành chính được tổ chức lại nên hiện tại nó không nằm ở Seongbuk-gu hay Seongbuk-dong. Nhân cơ hội này, trường đại học Kwangwoon đã phát động chiến dịch đưa tên trường đại học Kwangwoon vào tên nhà ga.

Vào thời điểm đó, Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc đã từ chối yêu cầu của đại học Kwangwoon vì có quá nhiều tranh cãi trong việc đặt tên nhà ga với tên trường đại học. Để công bằng, họ đã tổ chức cuộc bỏ phiếu và hơn 80% người dân đồng ý đổi tên ga thành 'ga đại học Kwangwoon' nên năm 2012 nó đã được đổi thành ga đại học Kwangwoon.


Đổi tên ga tàu điệm ngầm vì hình ảnh của khu vực

hình ảnh tàu điện ngầm Hàn Quốc đi qua sông Hàn

Như đã đề cập ở trên, có một số trường hợp tên các ga tàu điện ngầm được đổi mà không phải do trùng lặp với tên khu vực. Đó chính là vì hình ảnh của khu vực. Người Hàn quan niệm tên nhà ga cũng phản ảnh hình ảnh của từng khu vực. Hãy cùng xem một số trường hợp sau nha!


1. Ga trường đua ngựa → Ga công viên đua ngựa

đua ngựa ở Hàn

Ga công viên đua ngựa là ga tàu điện ngầm trên tuyến số 4 do Tổ chức đua ngựa Hàn Quốc đề nghị cục Đường sắt Quốc gia xây dựng nhằm tăng khả năng tiếp cận của Công viên đua ngựa Seoul. Khi được khai thông, nó có tên là 'ga trường đua ngựa'. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, đua ngựa mang đậm hình ảnh cờ bạc hơn là thể thao. Vì vậy, khi người Hàn Quốc nhìn thấy từ 'trường đua', họ đều liên tưởng nó với cờ bạc. 

Ga  Ga công viên đua ngựa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Heraldcorp

Vì vậy, để thoát khỏi hình ảnh tiêu cực gắn liền với từ 'trường đua', ga được đổi tên thành 'ga công viên đua ngựa'. Trường đua ngựa cũng được đổi tên thành 'Seoul Race Park' thay vì 'Trường đua ngựa Seoul'!


2. Ga khu công nghiệp Guro → Ga phức hợp kỹ thuật số Guro

nhà máy may ngày xưa ở khu công nghiệp Guro

Nguồn: Nhật báo Chosun

Ga tàu điện ngầm Guro là ga tàu điện ngầm trên tuyến số 2 nằm ở Guro-gu, Seoul. Nó từng được gọi là ga Khu công nghiệp Guro. Tuy nhiên, vào năm 2004, tên này đã được đổi thành ga Phức hợp kỹ thuật số Guro để cải thiện hình ảnh địa phương. Trước đây, trong Khu công nghiệp Guro, ngành công nghiệp may là ngành tiêu biểu nhất. Nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển đáng kể nhờ vào nhiều hoạt động sản xuất sử dụng lao động tại đây. 

 Ga phức hợp kỹ thuật số Guro, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Tuy nhiên, ngày nay cái tên khu công nghiệp nó mang hình ảnh lỗi thời nên tên ga được xem xét thay đổi. Và vào thời điểm đó, hầu hết các nhà máy ở vùng lân cận đã được chuyển ra nước ngoài hoặc các khu vực nông thôn, thay vào đó ngành công nghệ thông tin đầu tư với quy mô lớn từ đầu những năm 2000. Do đó tên nhà ga Khu công nghiệp Guro đã được đổi thành 'ga Phức hợp kỹ thuật số Guro'.


3. Ga Garibong → Ga phức hợp kỹ thuật số Gasan

Ga phức hợp kỹ thuật số Gasan là trạm trung chuyển cho tuyến 1 và tuyến 7 nằm ở Gasan-dong. Phức hợp kỹ thuật số Guro và Phức hợp kỹ thuật số Gasan rất gần nhau, được gọi chung là G Valley. 

Khu phức hợp kỹ thuật số Gasan

Nguồn: Báo điện tử

Câu chuyện đằng sau việc ga Garibong được đổi tên thành ga phức hợp kỹ thuật số Gasan cũng giống như trường hợp của ga phức hợp kỹ thuật số Guro được đề cập bên trên. Ngoài ra, tên của ga phức hợp kỹ thuật số Guro và phức hợp kỹ thuật số Gasan đều quá dài, vì vậy chúng thường được rút ngắn thành 'Gudi' và 'Gadi'.


4. Ga Seongnae → Ga Jamsillaru

Ga Jamsillaru, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Ga Jamsillaru trên tuyến số 2 ban đầu được gọi là ga Seongnae. Tên Seongnae được đặt vì có Seongnaecheon ở phía đông bắc của nhà ga. Vấn đề là có một khu vực khác tên là Seongnae-dong ở Gangdong-gu. Để đến Seongnae-dong ở Gangdong-gu thì phải đi thêm bốn trạm dừng bằng xe buýt từ ga Seongnae. 

Để tránh nhầm lẫn, vào năm 2010, từ 'naru' (có nghĩa là nơi tàu bè qua lại trên sông) đã được kết hợp để tạo ra từ Jamsillaru, và ga Seongnae được đổi tên thành ga Jamsillaru.

Khu Jamsil Hàn Quốc nhiều nhà cao tầng giàu có

Đúng là khu vực này nằm trong khu vực sinh sống của Jamsil, nhưng đã có một nhà ga với tên là ga Jamsil, vậy vì lý do gì mà lại ghép từ mới để tạo nên tên nhà ga Jamsillaru? 

Jamsil nằm ở Gangnam và là khu phố tập trung nhiều người giàu vì giá nhà rất cao. Vì vậy, khi Seongnae đổi tên, người dân ở đó đã đề xuất tên ga Jamsillaru. Nói cách khác, tên ga có từ 'Jamsil' để nhằm mục đích mang hình ảnh khu phố giàu có để làm tăng giá nhà!


5. Ga Sincheon → Ga Jamsilsaenae

Ga Jamsilsaenae, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Heraldcorp

Ga Jamsilsaenae là ga tàu điện ngầm trên tuyến số 2 nằm cạnh ga Jamsillaru và ga Jamsil. Bạn có thể dự đoán tại sao tên của ga Shincheon được đổi thành ga Jamsilsaenae đúng không? Điều này tương tự như lý do tại sao ga Seongnae được đổi thành ga Jamsillaru. Mục đích là để củng cố hình ảnh của một khu phố giàu có bằng cách thêm từ 'Jamsil' vào tên nhà ga.

bản đồ tàu điện ngầm Seoul


Đổi tên ga tàu điệm ngầm do thay đổi tên địa danh

lotte world Hàn Quốc

Như đã đề cập trước đó rằng khi đặt tên cho một nhà ga, đôi khi nó được đặt theo tên một địa danh trong khu vực. Các địa danh tại thời điểm đó có thể biến mất hoặc đổi tên theo thời gian! Trong những trường hợp như vậy, tên của ga tàu điện ngầm cũng được thay đổi. Hãy xem một số ví dụ!


1. Ga Jungangcheong → Ga Gyeongbokgung

Cung điện Gyeongbokgung

Để đến Cung điện Gyeongbokgung, cung điện cổ tuyệt đẹp ở Seoul, bạn phải đến ga Gyeongbokgung trên tuyến số 3. Khi mới được khai thông, nhà ga có tên là ga Jungangcheong. Jungangcheong là văn phòng trung tâm của Nhật Bản tại Hàn Quốc trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. 

ga Jungangcheong thời xưa ở Seoul

Vào thời kỳ thuộc địa, để lấn át văn hóa, lịch sử và tâm lý dân tộc của người Hàn Quốc, Nhật Bản đã phá bỏ một số tòa nhà bên trong Cung điện Gyeongbokgung để xây dựng phủ thống đốc Chosun. Ngay cả sau khi giải phóng, phủ thống đốc Chosun vẫn được sử dụng và duy trì làm tòa văn phòng trung tâm, nhưng có nhiều tranh cãi về việc đặt biểu tượng của thời thuộc địa Nhật Bản ở giữa thủ đô Seoul.

Ga Gyeongbokgung, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Năm 1970, Khu liên hợp chính phủ ở Seoul và năm 1982, Khu liên hợp chính phủ ở Gwacheon được xây dựng, và các tổ chức lớn ở Hàn Quốc chuyển đến đó. Và Văn phòng trung tâm được sử dụng làm Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc vào năm 1986. 

Theo cách này, tên của ga tàu điện ngầm đã được đổi thành 'ga Gyeongbokgung' vào năm 1987 khi tòa nhà của phủ thống đốc Chosun được đổi thành tòa nhà Văn phòng trung tâm, và từ tòa nhà Văn phòng trung tâm thành Bảo tàng Quốc gia. Văn phòng trung tâm chính đã không còn tồn tại.

ga Jungangcheong thời xưa ở Seoul

Nguồn: Yonhap News

Tòa nhà Phủ Tổng thống Hàn Quốc của Nhật Bản đã xảy ra nhiều vấn đề như thế nào? Năm 1995, Tổng thống Kim Young-sam đã cho phá dỡ tòa nhà Thống đốc Chosun của Chính phủ Nhật Bản trong lễ hội văn hóa kỷ niệm 50 năm giải phóng. Ngoài ra, vào thời điểm đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Kim Young-sam đã tăng vọt lên 70%. 

Vì tòa nhà Thống đốc Chosun đã bị phá bỏ nên bạn có thể nhìn thấy khung cảnh tuyệt đẹp của Cung điện Gyeongbokgung ngày nay.


2. Ga Sân vận động Seoul → Ga Sân vận động Dongdaemun → Ga Công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun

Ga công viên Seoul thời xưa, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: mbc archive

Ga Công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun là ga tàu điện ngầm trên các tuyến số 2, 4 và 5 nằm gần Công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun. Khi nhà ga lần đầu tiên mở cửa vào năm 1983, nó có tên là Sân vận động Seoul.

Công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun

Nguồn: Seoul Design Foundation

Sau đó, sau khi Khu liên hợp thể thao Jamsil được thành lập vào năm 1984, tên của sân vận động được đổi thành Sân vận động Dongdaemun và tên ga thành ga Sân vận động Dongdaemun để có sự phân biệt rõ ràng. 

Năm 2008, sân vận động Dongdaemun bị phá bỏ và công viên văn hóa lịch sử Dongdaemun được thành lập, năm 2009, tên nhà ga cũng được thay đổi. Hiện tại, Công viên lịch sử văn hóa Dongdaemun có rất nhiều phòng triển lãm, nơi bạn có thể nhìn thấy những kỷ niệm và thành tựu của sân vận động Dongdaemun cũ!


3. Ga bến xe hàng hóa → Ga bến xa Nambu

Ga bến xa Nambu, Ga tàu điệm ngầm ở Seoul

Nguồn: Wikipedia

Khi tuyến số 3 của tàu điện ngầm thủ đô Seoul lần đầu tiên được khai thông vào năm 1985, nó được gọi là ga bến xe hàng hóa vì có một nhà ga hàng hóa nhỏ ở đó. Sau đó, vào năm 1990, nhà ga hàng hóa này được đổi thành bến xe buýt có tên là 'Bến xe Nambu Seoul', và tên của nhà ga cũng được đổi thành ga bến xe Nambu.

hình ảnh tàu điện ngầm Hàn Quốc đi qua sông Hàn

Như vậy, chúng mình đã cùng tìm hiểu xong một vài câu chuyện thú vị đằng sau sự thay đổi tên ga tàu điện ngầm ở Seoul rồi đó! Bạn thấy những câu chuyện này thế nào? 

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

  Instagram: creatrip.vn 

  Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc

Bài Viết Nổi Bật

Bài Viết Nổi Bật